Phong cách Park Chan Wook trong Stoker (2013)
Stoker là bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn người Hàn Quốc: Park Chan Wook. Thật may là phong cách Park Chan Wook đã không bị mất đi trong Stoker, mặc dù khoảng 1/3 đầu bộ phim thật sự hơi buồn ngủ và có phần hơi hướng của điện ảnh Hollywood. Đương nhiên đối với một nền văn hóa khác, không thể đòi hỏi phim của ông giữ được phong thái nguyên vẹn, nhất là khi người viết kịch bản Wentworth Miller lại là fan của nhà làm phim lịch sử Alfred Hitchcock. Thậm chí Stoker còn bị đem so sánh với Shadow of a Doubt của Hitchcock.
Vì chưa xem Shadow of a Doubt, tôi không dám bàn đến vấn đề giống hay khác ở đây. Hơn nữa việc chịu ảnh hưởng của nhà làm phim vĩ đại như Alfred Hitchcock là điều quá bình thường. Tôi chỉ muốn so sánh Stoker với những bộ phim khác của Park Chan Wook, xoay quanh chủ đề tội ác.
Stoker kể về một gia đình với người mẹ Evelyn (Nicole Kidman) với bề ngoài xinh đẹp lẳng lơ, cô con gái India (Mia Wasikowska) lầm lỳ ít nói và ông bố Richard (Dermot Mulroney) hiền lành. Câu chuyện bắt đầu khi Richard đột ngột ra đi và người chú Charlie (Matthew Goode) - em trai của Richard vốn đang đi du lịch châu Âu bỗng trở về, sống cùng Evelyn và India.
Cốt truyện này vốn chẳng có gì mới mẻ và kể cả không phải là Park Chan Wook đạo diễn người ta cũng vẫn sẽ xây dựng được một câu chuyện kỳ quái ma mị. Tuy nhiên với đạo diễn người Hàn Quốc này, đặc trưng trong phim của ông luôn là mô tả những mặt khác nhau của cái ác. Nhưng nếu đặt Stoker trong trilogy báo thù bạn sẽ thấy bộ phim có phần "nhẹ nhàng" hơn những bộ phim làm bằng ngôn ngữ gốc của ông. Có lẽ suy cho cùng, khó có tác phẩm nào có thể vượt qua được Oldboy, tác phẩm đã giúp ông giành giải Grand Pix tại liên hoan phim Cannes vào năm 2004 và được Hollywood mua bản quyền để remake.
Thế nhưng không thể nói rằng Stoker không đáng xem. Với những người chưa bước vào thế giới tối của Park Chan Wook, Stoker dừng ở mức xem được. Còn với tôi để nói về đoạn phim ấn tượng nhất, tôi sẽ chọn cảnh thủ dâm của India trong phòng tắm sau khi cô chứng kiến chú Charlie giết người bạn của mình. Đó là một phân cảnh được làm nổi bật bằng nhiều cảnh khác nhau. Đây là lần đầu tiên India chứng kiến hành vi tội ác trực tiếp nhưng xen lẫn sự đau khổ (khi cô khóc trong nhà tắm) đó còn là sự thỏa mãn và giải thoát (có lẽ vì thế nó được mô tả thông qua cảnh thủ dâm). Có một đặc điểm nổi bật trong phim của Park, là ông luôn mô tả cảnh tình dục trần trụi nhưng hoàn toàn không có cảm giác câu khách rẻ tiền. Ví dụ như cảnh làm tình của Oh Daesu (Choi Min Sik) và Mido (Kang hye Jung) trong Oldboy. Cảnh đó thậm chí còn trần trụi hơn cảnh của India rất nhiều nhưng lại đem đến sự ghê sợ sau khi phim kết thúc.
Nhìn chung nếu Stoker không phải là Park Chan Wook đạo diễn, tôi nghĩ cái ác sẽ không được mô tả và xử lý theo hướng như vậy. Điện ảnh Mỹ (qua con mắt hạn hẹp của tôi) có gì đó thô ráp hơn (mặc dù không thiếu những bộ phim đổ máu) đơn giản mà lại không phải tầm thường. Ví dụ như cảnh Charlie lấy đá tấn công Richard trong xe ô tô (người ta sẽ cắt cảnh đổ máu đó đi chẳng hạn). Tuy nhiên, dù vẫn giữ được phong cách làm phim của mình, Stoker lại có phần xử lý "non tay" ở đoạn cuối với cái kết không quá bất ngờ so với phong cách thường thấy của ông. Hay chẳng một kẻ giết người có tâm hồn phức tạp nào lại đi gọi tên một kẻ khác trong lúc đang lúc đang tấn công con mồi của anh ta như Charlie cả. Chi tiết này đã phá hỏng hoàn toàn tâm lý nhân vật vốn là điểm thắt và mở của bộ phim. Dù sao thì đối với một bộ phim nói tiếng nước ngoài như Stoker, Park vẫn giữ được những đặc trưng của ông cũng là may mắn rồi.
Các bạn có thể đọc thêm phần bình luận của tờ The Guardian theo link!