top of page

Sẽ thế nào nếu Sympathy for Lady Vengeance không đứng cạnh Oldboy và Sympathy for Mr Vengeance?


(Đây là 3 bộ phim nằm trong trilogy báo thù của đạo diễn Park Chan Wook thứ tự qua các năm: Sympathy for Mr Vengeance 2002, Oldboy 2003 và Sympathy for Lady Vengeance 2005

Bài viết có sử dụng một số từ viết tắt Sympathy for Lady Vengeance: Lady, Sympathy for Mr Vengeance: Mr )


Nếu như Oldboy gây ấn tượng mạnh trong việc gợi ra sự tò mò của người xem, Mr thiên về mặt hình ảnh thì Lady lại mang đến cho người xem một vở kịch của tội ác. Có 2 điểm cần nhấn mạnh trong Lady đó âm nhạc và cách sử dụng màu sắc. Trong khoảng 2/3 quãng đầu của Lady, tôi đã nghĩ rằng Oldboy mới thực sự là kiệt tác của Park Chan Wook trong việc vạch trần cái ác. Nhưng hóa ra, với Lady cái ác lại được "hợp lý" hóa, được nâng tầm đến mức độ khó tin.


Mặc dù Mr mới là bộ phim mở màn trong trilogy báo thù của Park Chan Wook nhưng tôi lại xem Oldboy trước tiên. Vì thế mà phim để lại cho tôi ấn tượng rất mạnh. Oldboy đạt được sự phức tạp trong cách xây dựng kịch bản khi lật mở từng bí mật giữa kẻ bị giam Oh Daesu (Choi Min Sik) và kẻ giam cầm Lee woo-jin (Yoo Ji Tae) trong 15 năm. Trong khi đó với Mr, Park Chan Wook hướng người xem đến hình ảnh bạo lực gây kích thích thị giác cùng màu đỏ xuyên suốt nhiều cảnh phim: màu đỏ của cánh hoa hồng khi Ryu (Shin Ha Kyun) leo lên từng bậc thang đến chỗ bọn buôn bán nội tạng, màu váy đỏ của cô bé trên sông. Và đặc biệt là màu đỏ trong cảnh cuối cùng khi Park Dong Jin (Song Kang-ho) cắt chân của Ryu.


Còn Lady lại chính là sự kết thúc hoàn hảo cho series tội ác này. Thông qua cách làm phim của Park Chan Wook, cái ác đã không chỉ dừng lại ở những mặt có thể nhìn thấy theo một cách hữu hình (qua hình ảnh và màu sắc) giống như trong Mr mà đến phần 3, "nó" biến dạng một cách méo mó trong nhân cách của nhân vật, trong vẻ đẹp thánh thiện của Geum-ja (Lee Young Ae).


Cũng phải nói thêm, Lady cho tôi cái cảm giác đang xem một vở nhạc kịch đích thực với việc lồng ghép vào nhiều trường đoạn bản A Witch. Phim đặc biệt xuất sắc ở 1/3 cuối khi tông màu đã thay đổi hoàn toàn thành trắng đen (mặc dù màu đỏ vẫn thống trị và len lỏi trong khoảng 2/3 đầu). Có một đoạn mà nếu xem rồi, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ấn tượng là cảnh đám người lụp xụp trong bộ quần áo mưa, từng người, từng người một đi vào phòng để đối diện với kẻ giết người Mr Baek (Choi Min Sik). Kẻ mà theo họ cần phải trừng phạt vì đã giết hại những đứa con của họ. Cảnh đó gợi lên trong tôi cái suy rằng: cái ác, hóa ra lúc nào cũng chờ sẵn trong tâm hồn con người. Đối diện với Baek, chính là đối diện với bản ngã của chính chúng ta.


Dù cách kể chuyện có nhiều điểm khác nhau, nhưng sự liên kết trong 3 phần về mặt nội dung và hình thức là rất chặt chẽ. Cảnh bạo lực và tông màu có phần giảm nhẹ đi (từ màu đỏ rồi đến đen trắng), từ thứ âm thanh vô cùng tạp nham và lẫn lộn (như tiếng quạt máy, tiếng máy móc trong phân xưởng rồi tiếng gào thét) cho đến thứ âm nhạc đậm chất hàn lâm (như phần soundtrack của Lady). Hay phần lời thoại đến từ một nhân vật câm điếc cho đến khi thốt ra bên ngoài thành tiếng nói về việc “phải đền tội”. Park Chan Wook thực sự đã sử dụng tất cả chỉ để phơi bày muôn mặt của cái ác.


bottom of page