Should the suicide be an option?
(13 reasons why có đề cập đến việc tự sát (suicide), bắt nạt (bullying), bắt nạt qua mạng (cyberbullying) và cưỡng bức (rape). Tôi sẽ kể câu chuyện của tôi (liên quan đến quá trình tôi cảm thấy khủng hoảng và cũng từng nghĩ đến việc tự sát) cũng như suy nghĩ (những điều tôi đồng ý và không đồng ý) quanh bộ phim này. Tôi sẽ không đề cập đến tác phẩm gốc mà bộ phim chuyển thể "Thirteen reasons why" của tác giả Jay Asher viết năm 2007 trong bài viết này. Tôi chắc chắn cũng sẽ kể một vài chi tiết trong phim. Vì thế bạn có thể chọn đọc bài viết này hoặc không.)
13 reasons why là một series phim nói về Hannah (Katherine Langford)-một học sinh trung học và cô bé đã cắt cổ tay để tự sát, trước đó cô để lại 13 cuộn băng, mỗi cuộn là một lý do dẫn đến việc cô tự tử. Trước khi chết, cô bé đã gửi những cuộn băng này đến Tony (Christian Navarro) và nhờ cậu bé chuyển những cuốn băng này đến những người/bạn bè mà theo cô bé là lý do dẫn đến việc Hannah tự sát.
Với tôi, ưu điểm của 13 reasons why đó là bộ phim có tính đả kích rất mạnh. Tôi sẽ không nói đến diễn xuất của các diễn viên, không nói về cách kể chuyện thú vị của phim, cách họ chuyển cảnh và kết nối các vấn đề để tạo nên tính logic của phim bởi vì chúng được làm quá tốt.
Mặc dù phim không hoàn toàn giải quyết được tất cả những vấn đề mà nó đã đưa ra nhưng vẫn bỏ dở như vì sao Hannah lại chọn Tony là người chuyển đi cuộn băng, tại sao tên cậu bé lại được đánh dấu “?” trên tờ giấy mà Hannah đã viết hay mối liên quan giữa Tony và Hannah là gì và giả sử như cậu bé chẳng khác gì Bryce (Justin Prentice)-kẻ đã cưỡng bức Hannah và Jessica (Alisha Boe) là cô bạn thân của Hannah, thì liệu những cuộn băng có đi đúng hướng, có đến được với Clay (Dylan Minnette)-người bạn yêu thầm Hannah sâu sắc. Làm sao Hannah tin Tony khác Bryce. Rồi thì liệu “lời buộc tội” của Hannah về những câu nói của người thầy giáo tâm lý Mr. Potter (Derek Luke) cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô bé ra đi liệu có hoàn toàn xác đáng.
Thế là tất cả newfeed xuất hiện gần đây trên trang facebook của tôi và những bài “Vì sao Hannah lại tự tử?”, rồi những comment về việc ai đúng, ai sai. Quá khó để nói đúng sai ở đây. Tôi chấp nhận có một số vấn đề là không đúng ví dụ như cưỡng bức (rape) đó là một tội ác thực sự và cần phải được ngăn chặn hay bắt nạt qua mạng (cyberbullying) thực sự đã gây tổn thương đến những người mà nó hướng tới (bạn có thể đọc thêm bài viết về rape theo link và câu chuyện về cyberbullying theo link). Nhưng còn những vấn đề khác thì sao? Nhất là đối tượng mà bộ phim hướng tới nằm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi khủng hoảng và có rất nhiều vấn đề.
Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện của tôi, đó là năm lớp 11. Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ ngày đó đã xảy ra chuyện gì. Nhưng tôi nhớ rõ cách tôi phản ứng với chuyện đó. Tôi đã đóng cửa phòng nhiều ngày, ngồi nghe nhạc Eminem và Rihanna. Đó là thứ nhạc khiến tôi cảm thấy bớt cẳng thẳng. Vì một lý do gì đó, tôi cảm thấy không có ai hiểu mình, tôi thấy cô đơn. Cộng thêm việc tôi có một cô bạn, vốn chơi rất thân với tôi rồi đột nhiên không chơi với tôi nữa, không vì lý do cụ thể nào cả. Chỉ là chúng tôi không về học cùng nhau, không hay nói chuyện nữa. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Thậm chí tôi đã nghĩ mình không đủ tốt, không đủ thú vị, học kém vì thế cô bạn đó mới không chơi với tôi nữa (suy nghĩ này kéo dài khá lâu).
Vài năm sau, không biết vì lý do cụ thể gì, tôi cũng nghĩ đến suicide. Tôi nghĩ nó sẽ đến vào lúc bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, bế tắc và cảm thấy không thể giải quyết được vấn đề (có thể đó là tôi của lúc đó. Khoảng 2 năm trước cuộc sống của tôi khá căng thẳng). Nhưng có những thứ đã níu kéo tôi và để suy nghĩ về suicide không tồn tại quá lâu đó là mẹ tôi. Tôi tưởng tượng mẹ sẽ ra sao nếu tôi ra đi. Mẹ sẽ buồn thế nào, sẽ khóc thế nào và sẽ sống những ngày không có tôi thế nào. Vì thế tôi đã chọn ở lại và gạt bỏ suy nghĩ về cái chết ra khỏi đầu ngay tức khắc.
Qua câu chuyện của mình và những tâm lý, phản ứng của mình vào thời gian đó, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nguyên nhân dẫn đến tự tử khá phức tạp. Đôi khi nó có lý do, đôi khi không. Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng, bối cảnh mà bộ phim nói đến là ở nước Mỹ. Nó có khác bối cảnh ở Việt Nam hay không và khác đến mức độ nào, khác ở điều gì? Và việc kể lại nguyên nhân về việc tự sát của Hannah trong 13 reasons why đến từ những việc “buộc tội” những người có tên trong 13 cuộn băng của cô bé là không hoàn toàn xác đáng. Nhưng nếu cho đó là hậu quả của bullying, cyberbullying, rape, hay trách nhiệm của gia đình, thầy cô... (như cách bộ phim đã khai thác) là hoàn toàn có cơ sở. Tôi tin rằng, tâm lý ở độ tuổi vị thành niên nhìn chung không ổn định, dù ở đâu cũng vậy. Không với đứa trẻ này thì sẽ là đứa trẻ khác. Nhưng những tổn thương mà một con người phải chịu, dù ở độ tuổi nào đi nữa, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc họ lựa chọn tự sát là cách giải thoát và chấm dứt tổn thương. Nhưng sẽ còn những cách khác nữa mà bạn hay những người khác có thể giúp bạn cân nhắc. (Nếu Hannah chọn cách kể câu chuyện đã tổn thương đến cô bé với cha mẹ hay nói thẳng rằng em đã bị gọi là “phò” ở trường học với thầy hiệu trưởng, hay nói sự thật về Justin (Brandon Flynn) là người đã chụp tấm ảnh hở hang của cô bé và cho phép Bryce tung nó lên mạng ngay từ đầu thì liệu sự việc có đi xa đến thế?)
Suicide là một chủ đề không dễ dàng để nói đến và quá khó để tìm ra đâu là lý do khiến một người tự tử. Bởi vì ta không phải là họ và hoàn toàn không thể hiểu được trong đầu họ đang nghĩ gì. Nhưng có những điều cần phải thay đổi, ngay từ cách ta nhìn nhận và lựa chọn cách ta hành xử với nó. Tôi đồng ý rằng bộ phim cần được đưa ra thảo luận ở trường học, cần phải xem nó với giáo viên, người hướng dẫn hay cha mẹ nếu bạn đang trong độ tuổi vị thành niên. Cần phải thảo luận về cách giải quyết nếu có gì đó đáng tiếc sẽ xảy ra chứ không phải là cấm chiếu phim vì những vấn đề tiêu cực mà nó đưa ra. Sẽ là một quyết định sai lầm nếu làm điều đó.
“Tự sát thì không nên là một lựa chọn”.