top of page

The English Patient (1996)


Nhân dịp hôm nay là ngày tôi đọc hết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, tôi muốn gửi đến các bạn tác phẩm The English Patient. Đây là tác phẩm có đề cập đến vấn đề lịch sử. Vào thời điểm tôi viết về bộ phim này (1 năm trước) tôi thấy bộ phim hơi quá sức với mình. Suy cho cùng những bộ phim về chiến tranh, vẫn cần có những kiến thức nhất định để hiểu về nó. Nhưng vì sự ám ảnh của Nỗi buồn chiến tranh, vì những mối tình và vì nỗi buồn không giải thích nổi, mênh mang, vô định và âm ỉ thời hậu chiến. Suy cho cùng đọc lại những dòng đã viết, tôi mới thấy Cuộc chiến nào rồi cũng rất buồn!

_____________________________________________________________________________________________


Phải có đến mấy lần, tôi đã bấm nút tua khi xem bộ phim này. Nó không phải là một bộ phim dễ xem. Không hoàn toàn là một bộ phim về chiến tranh, bởi nó liên quan đến lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Và trên hết, tôi thấy nó giống như một bộ phim về tình yêu-những tình yêu trong thời chiến, đôi khi chúng kết thúc đẹp, cũng đôi khi là chẳng đi đến đâu, chỉ còn lại là ám ảnh và day dứt.


Cuốn tiểu thuyết Bệnh nhân người Anh được viết bởi Michael Ondaatje sau đó nó được đến với công chúng nhiều hơn dưới bàn tay của đạo diễn Anthony Minghella vào năm 1996. Trở thành một tác phẩm kinh điển với đề tài tình yêu-chiến tranh, bối cảnh phim xoay quanh một nước Ý năm 1944, xoay quanh cuộc sống của cô y tá Hana (Juliette Binoche) với một bệnh nhân người Anh bị bỏng đến mức thay đổi cả hình dạng và chẳng còn nhớ gì về thân phận của mình. Hana đã quyết định dùng tạm một căn nhà đã bỏ hoang để chăm sóc bệnh nhân người Anh, bỏ lại cả một cuộc hành quân đang ở phía trước. Sau nhiều ngày hai người ở lại, bỗng một ngày có 2 người tìm đến là David Caravaggio (Willem Dafoe) theo lời đề nghị của Mary-cô bạn của Hana và Kip (Naveen Andrews)-anh chàng người Ấn Độ chuyên dò tìm bom mìn. Câu chuyện bỗng chốc gói gọn trong cuộc sống của 4 con người, với những quá khứ về mối tình của bệnh nhân người Anh với cô gái tên Katharine, quan hệ giữa Caravaggio và bệnh nhân người Anh, và những tình cảm chớm nở giữa Hana và Kip.


Cuối cùng thì chiến tranh cũng không thể vùi lấp được khát khao sống, khát khao được yêu thương và một cuộc sống tự do đến mãnh liệt giữa những con người này. Trong những dòng chữ cuối cùng trong hang tối, Katharine đã “nói” với Almasy khi anh đến đón cô Chúng ta chết, chúng ta chết với những người tình và những bộ tộc. Những mùi vị ta đã nếm qua và những thân xác ta đã ôm ấp. Và hiểu rõ như bơi ngược một dòng sông với những nỗi sợ ta đã trốn nấp trong đó như cái hang khốn khổ này. Em muốn những điều này ghi dấu trên thân xác em. Chính chúng ta mới là những quốc gia thực sự, không phải ranh giới trên những tấm bản đồ...không phải tên tuổi của những người có quyền lực. Em biết anh sẽ mang em về lâu đài gió lộng của anh. Em chỉ muốn có thế. Bước đi ở một nơi như thế với anh, với bạn bè...trên một quả đất không còn bản đồ”. Đoạn trích này là đoạn tôi thích nhất khi xem Bệnh nhân người Anh, và chắc hẳn, tác phẩm nguyên gốc của Michael Ondaatje sẽ còn sống động hơn thế. Thật buồn cười, khi chính họ-những nhà địa lý, những con người rong ruổi trên khắp sa mạc Sahara để vẽ nên những tấm bản đồ, và cũng chính tấm bản đồ mà Almasy đã mất nhiều thời gian để làm ra nó lại trở thành cứu tinh cho tình yêu của anh và ranh giới mà họ đã vẽ ra góp một phần vào cuộc tranh giành giữa những kẻ quyền lực. Những việc mà Almasy làm vô tình kéo theo đau thương đến với những người khác như chồng của Katharine hay Mandox-đồng nghiệp của anh, cuối cùng mong ước của họ lại chỉ là được sống và được yêu, không còn điều gì hơn thế.


Mối tình của Almasy và Katharine xuyên suốt phần lớn chiều dài của tác phẩm, còn mối tình của Hana và Kip, nó giống như một mạch nước ngầm len lỏi, mang theo nhiều hy vọng. Nó đến với học một cách tự nhiên nhất và ra đi theo một cách êm đềm. Họ hẹn nhau một ngày gặp lại, dù biết cũng có thể chẳng có ngày đó, khi mà công việc vô cùng “may rủi” của Kip có thể khiến anh chết bất cứ lúc nào. Còn Hana thì đã trải qua sự đau đớn và tuyệt vọng nhất trong tình yêu. Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi người đàn ông của Hana và cướp đi người bạn mà cô yêu quý.


Một cuộc sống trên sa mạc đầy cát và gió, những người dân bản địa, những loại nhạc truyền thống mà họ hát, những hang động của những người cổ đại... trong Bệnh nhân người Anh, đan xen giữa những mối tình đằm thắm của các nhân vật. Cùng với sự hận thù của Caravaggio khi anh muốn mang đến cho Almasy nhưng cuối cùng lại từ bỏ. Tôi nghĩ rằng, đây đã không còn là một bộ phim về chiến tranh nữa. Nó là một thông điệp về yêu thương. Dù tình yêu và sự hận thù có kết thúc như thế nào, thì mạch cảm xúc sống động mà những nhân vật như Almasy, Katharine, Hana hay Kip đã để lại trong cuộc đời của nhau sẽ luôn khiến người xem chỉ nhớ về một thứ tình cảm mãnh liệt nhất mà họ đã thể hiện trong tác phẩm của Anthony Minghella.


Tôi không hoàn toàn hiểu hết được bối cảnh lịch sử của cuộc chiến trong Bệnh nhân người Anh, nước Anh, nước Đức hay nước Ý, sa mạc Sahara hay là những vùng lãnh thổ nào khác nữa. Người ta đánh nhau vì những tấm bản đồ, hay quyết định sự sống chết bằng những cái tên, quê quán. Cái còn đọng lại trong tôi chỉ là những tình cảm của những con người ấy mà thôi. Họ khao khát yêu thương và khát khao sống, khát khao cống hiến và hy sinh.

bottom of page