Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015)
Bài này tôi viết cách đây đã lâu (vì thế vẫn xưng là mình trong bài viết). Ý kiến chung của tôi về bộ phim vẫn không thay đổi, đó là dành tặng lời khen cho bộ phim này. Tôi xem khá nhiều nhưng để chọn được bộ phim mà tôi muốn viết, đôi khi khó hơn tưởng tượng. Hy vọng trong những tuần tới, sẽ có bộ phim nào đấy khiến tôi thực sự muốn nói về nó.
Việc chuyển thể một câu chuyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng, không phải là một công việc đơn giản. Bởi nó không phải là một câu chuyện có cao trào rõ ràng, mà chỉ là cách nhìn cuộc sống xung quanh qua con mắt của cậu bé tên Thiều. Những mảnh ghép vụn vặt và chắp vá của cuộc sống, được Thiều kể lại, trong đó có cậu em trai Thiều là Tường, cô bé tên Mận học cùng lớp, hay những nhân vật như chú Đản, chị Vinh, thầy Nhãn, ông Tám Tàng, con bé Nhi...thế nên chẳng thể nào gói gọn tất cả trong hơn 90 phút bộ phim được trình chiếu. Và tất nhiên cũng vì vậy, vài nhân vật được đã được lược bớt ví dụ như chuyện của bé Xin, vài tình huống đã được thay đổi như lá thư tình đáng nhẽ ra sẽ được Thiều viết cho Xin chứ không phải cho Mận, hay cuộc gặp gỡ chóng vánh của Tường và Nhi sẽ diễn ra sau cái sai lầm mà Thiều đối với Tường, chứ không phải sau vài chục phút đầu phim.
Ngoại trừ cốt truyện đã được thay đổi đôi chút, có 3 điểm thành công trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mà mình muốn nói. Có lẽ đã lâu lắm hình ảnh về làng quê Việt Nam mới hiện lên một cách đẹp đẽ đến thế. Một vẻ đẹp kiểu đơ sơn nhưng mênh mông và đầy sức sống. Chất lượng hình ảnh của phim là cái đầu tiên mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thu hút khán giả. Thứ hai, không thể không nói đến là diễn xuất rất có hồn của 3 diễn viên Thịnh Vinh trong vai Thiều, Trọng Khang vài Tường và Thanh Mỹ vai bé Mận. Và thứ ba, phần âm nhạc tuyệt vời trong phim đã lấp đầy những khoảng trống rời rạc và thiếu logic giữa nhiều phân đoạn trong phim mà nếu như đã đọc tác phẩm gốc, bạn chắc chắn sẽ nhận ra điều đó.
Nhưng có một điểm mà mình cho rằng bộ phim đã làm rất tốt đó là việc đưa một cậu bé Thiều bước ra từ trong truyện lên màn ảnh rộng. Thịnh Vinh có nhiều đất diễn hơn so với những nhân vật khác và cũng là người dẫn dắt câu chuyện. Trong tâm trí mình luôn tồn tại hình ảnh một cậu bé Thiều của Nguyễn Nhật Ánh và thật may mắn rằng, bản thân mình đã không thấy thất vọng khi ngắm nhìn nhân vật này. Những hờn giận trẻ con của Thiều, ánh mắt ghen tuông của cậu khi nhìn thấy Tường và Mận chơi với nhau và đỉnh điểm nhất là cú đánh mà Thiều gây ra cho Tường. Nó vẫn gây cho mình cái cảm giác bất ngờ và đau đớn như lần đầu tiên mình đọc truyện. Thiều là nhân vật có nhiều cảm xúc thay đổi hơn so với 2 nhân vật còn lại là Tường và Mận. Cậu bé cũng là người liên kết nhiều mảnh ghép trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Và Thịnh Vinh đã làm tròn vai diễn khó khăn này.
Cá nhân mình nhận thấy, biểu cảm của từng diễn viên trong phim nhìn chung khá tốt (so với nhiều phim Việt chiếu rạp gần đây). Nhưng nếu nhìn tổng thể, sự liên kết về câu chuyện trong phim thực ra khá rời rạc. Có nhiều đoạn chuyển cảnh sẽ gây cảm giác hụt hẫng cho người xem. Và như mình đã nói ở trên, phầm âm nhạc, đặc biệt là ca khúc Thằng cuội với sự thể hiện của Phạm Thị Ngọc Hiển (một ca sĩ không chuyên) đã gây nên một cơn sốt cho bộ phim. Và nếu như bạn đã thích một cái gì đó của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh rồi, ví dụ như âm nhạc hay độ dễ thương của các diễn viên nhí, thì những khoảng trống khi xem phim đó có thể “tạm chấp nhận” được (cười). Đoạn cuối trong phim, có nhiều nhận xét cho rằng nó hơi “hụt”, nhưng cá nhân mình cho rằng nó không hề “hụt” tý nào mặc dù so với nguyên tác chẳng có cảnh Thiều cõng Tường đi giữa cánh đồng lúa xanh rì màu lá và thủ thỉ về những điều vẩn vơ. Đối với mình, hình ảnh đó thật sự rất ấm áp và yên bình.
Tóm lại là, kịch bản của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh dựa trên một tác phẩm đã rất thành công của Nguyễn Nhật Ánh, được viết bởi Việt Linh, Victor Vũ và Đoàn Nhật Nam cộng thêm chất lượng hình ảnh đẹp, diễn viên làm tròn vai, âm nhạc ổn.... Bấy nhiêu cũng đủ khiến nó mang lại một thứ cảm xúc nhẹ nhàng và sâu lắng trong lòng nhiều khán giả về những năm tháng tuổi thơ đã từng đi qua trong đời.