top of page

Beijing bicycle (2001)


Chân thực như đời sống có lẽ sẽ là câu nói được dùng để nói về Beijing bicycle (Xe đạp Bắc Kinh) . Với tôi thích nhất trong bộ phim này chính là ở cái kết hợp lý của nó. Không cần phải “happy ending” thì phim mới hay.


Câu chuyện trong phim cũng rất đơn giản và phải nói là đời thì đúng hơn. Guo là chàng thanh niên trẻ, lên thành phố tìm việc. Thành phố Bắc Kinh những năm 2000, trên đường hầu như chỉ có xe đạp và xe ô tô. Anh được nhận vào trong 1 công ty chuyển phát nhanh và được công ty cấp cho 1 chiếc xe đạp, sau 1 tháng làm việc, chiếc xe này sẽ là của anh. Chiếc xe theo Guo đi khắp các nẻo đường tronng thành phố. Nhưng có 1 biến cố bất ngờ xảy đến, khi chỉ còn một ngày nữa là hết tháng, Guo làm mất chiếc xe trong 1 lần đi giao hàng. Thật đúng là không còn gì xui xẻo hơn. Cả gia tài có mỗi chiếc xe đạp. Mọi giấc mơ đều bị giập tắt. Anh không hề biết rằng, chiếc xe của mình đã được 1 cậu học sinh mua lại. Jian là một học sinh có hoàn cảnh gia đình gần ở mức tầm trung, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Dù bố cậu đã hứa nhiều lần về việc mua xe, nhưng vẫn không thực hiện được. Vì vậy, sau khi có được chiếc xe của Guo, cuộc sống của Jian trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Cậu có bạn gái, cậu dùng xe đi chơi cùng bạn bè. Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, chiếc xe đạp vô tình đã dẫn dắt 2 con người vốn không quen biết này đến với nhau để từ đó theo dòng lăn của những bánh xe, những tình huống mới nối tiếp nhau xuất hiện.


Nhưng có lẽ cái tình huống “buồn cười” nhất là cách giải quyết cuối cùng cho việc sử dụng chiếc xe. Giữa một bên là anh chàng Guo chất phác, thật thà nhưng ngoan cố, quật cường và một bên là cậu học sinh Jian đang tuổi ăn tuổi lớn và có tính tình bốc đồng, thích thể hiện. Sau nhiều lần “lấy đi lấy lại” chiếc xe đạp “thần thánh” không thành công của 2 chủ sở hữu, Guo cuối cùng đã dùng chiêu “ăn vạ” để quyết tâm giữ xe đến cùng, không nhượng bộ. Nó dẫn đến một liệu pháp toàn vẹn là 2 anh cùng chia nhau chiếc xe, mỗi anh dùng 1 ngày.


Cách giải quyết này, suy cho cùng gói gọn trong 2 chữ “trẻ con”. Nhưng đằng sau cách giải quyết này, bộc lộ rất nhiều nét tính cách của các nhân vật. Cụ thể là có thể thấy Guo hoàn toàn không biết ăn nói, ngây ngô đến buồn cười, nhưng lại lì lợm đến đáng sợ. Chính cái tính lì của anh chàng này đã tạo nên nhiều tiếng cười trong phim. Còn nhân vật Jian. Không hiểu sao mà mình rất thích nhân vật Jian. Cậu thanh niên này bộc lộ hoàn toàn phẩm chất của một cậu bé mới lớn, thích đua đòi, thích thể hiện. Đây là phản ứng rất bình thường của thanh thiếu niên tầm tuổi này. Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn, vẫn có cảm giác Jian là cậu bé tốt. Bởi vì, Jian vẫn còn biết chia sẻ chiếc xe đạp “ăn trộm” mà mình lỡ mua nhầm với chủ sở hữu đích thực của nó. Nếu như không bị cha thất hứa nhiều lần chuyện mua xe và nếu như Jian có tính tình thật sự không còn điểm tốt, cậu ta hoàn toàn có thể đánh Jian nặng hơn, hay bắt Jian phải trả đủ số tiền mà cậu ta đã mua xe, hay có thể lôi cậu ta vào vụ ẩu đả cuối phim mà không phải là xua tay bảo Guo đi đi (cũng nghĩa khí đấy chứ). Còn mấy cậu học sinh đi “đòi” xe cùng Jian, cứ xem phim là biết ngay mặt mũi mấy bạn này thế nào.


Xe đạp Bắc Kinh chạm đến từng góc nhỏ của đời sống với những góc quay len lỏi trong từng góc phố nhỏ. Giữa những khung cảnh rượt đuổi của Guo, Jian và đám tay chân tình địch của Jian, vẫn sẽ bắt gặp hình ảnh cậu bé đi học về, ngó nghiêng đứng xem vì thấy lạ hay các “bô lão” ngồi đánh cờ, mặc kệ bon trẻ đánh nhau, mặc kệ sự đời, trong một buổi chiều như thường lệ. Máy quay đã chạm đến những gì gọi là gần gũi nhất của cuộc sống, từ nhân vật đến bối cảnh, khiến người xem không khỏi liên tưởng đến những hình ảnh mà mình vẫn bắt gặp hàng ngày.


Xem Xe đạp Bắc Kinh của Vương Tiểu Soái, sẽ nghĩ đến Phía trước là bầu trời của Đỗ Thanh Hải- bộ phim đã đi sâu vào trí nhớ của tuổi thơ nhiều bạn trẻ Việt Nam. Cái kết tuy có khác nhau nhưng không thể không nói đến. Dù cho cuối cùng chiếc xe đạp cũng thuộc về Guo, nhưng nó đã chẳng còn nguyên vẹn và có những điều sẽ thay đổi mãi mãi. Hình ảnh chàng trai này vác chiếc xe băng qua những khung đường trong thành phố Bắc Kinh thể hiện quyết tâm muốn bám trụ đến cùng của nhân vật này và tính cách kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn của anh. Triết lý trong phim dù giản dị đến bất ngờ và giấc mơ nó phản ánh thì thời nào cũng đúng với thanh niên dù thuộc tầng lớp trí thức hay lao động, hay với bất cứ người nào mang giấc mơ có “1 chỗ” trên thành phố, phim vẫn mang đến cho người xem những cảm xúc riêng có. Có những khoảnh khắc sẽ thấy Guo buồn cười, thấy anh ấy đáng thương, thấy “tủi thân” thay cho nhân vật, nhưng cuối cùng vẫn khâm phục tính cách của anh. Có những lúc sẽ thấy Jian trở nên “đáng ghét”. Nhưng chẳng ai là không có cái “đáng thương” của riêng bản thân mình. Những thiếu niên như Jian rồi cũng sẽ có lúc bỏ đi cái tính thích thể hiện của mình, và những thanh niên như Guo rồi cũng sẽ tìm được một chỗ đứng nào đấy trong thành phố rộng lớn này, nếu như anh còn đủ tin tưởng và cố gắng “đúng cách”.


bottom of page