Anna Karenina (2012)
Phiên bản điện ảnh Anna Keranina năm 2012 được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Lev Tolstoy-một nhà văn hiện thực và tư tưởng lớn của Nga. Tiểu thuyết trước đó đã được đăng nhiều lần trên tờ đặc san Rousky Vestnik (Người thông tín viên) và sau đó là được xuất bản dưới dạng sách. Đây là một tiểu thuyết lớn trong dòng chảy của văn học nước Nga, đứng đầu trong dannh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại.
Anna Karenina lại là một lần kết hợp nữa giữa đạo diễn người Anh-Joe Wright và Keira Knightley sau những phim trước đó như Kiêu hãnh và định kiến (2005) và Atonement (2007). Có thể nhận thấy Knightkey xuất hiện trong các sản phẩm của Joe trong những nhân vật có “style” tâm lý gần gần như nhau, đau khổ và giằng xé trong tình yêu, giữa rất nhiều rào cản của xã hội.
Anna-nhân vật chính trong phim là một phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc của Nga. Bối cảnh mà Tolstoy viết Anna Karenina vào khoảng năm 1870, những năm cuối thế kỷ 19 là những năm khi mà vấn đề phụ nữ trong xã hội Nga đang là vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Chồng Anna là Alexei Karenin, một quan chức cấp cao của chính phủ. Anna có người anh trai là Stiva. Cô đến Moscow theo yêu cầu của anh trai, giúp ông giải quyết vấn đề 2 vợ chồng Stiva-Dolly. Trong chuyến đi này, Anna đã gặp Vronsky, một bá tước trẻ, quý phái giàu có và một tương lai rộng mở phía trước. Vronsky đang có tình cảm công khai với Kitty, một tiểu thư của gia đình Cherbatsky. Anna ngay lập tức bị thu hút bởi Vronsky, để rồi sau đó cuốn vào cuộc phiêu lưu tình ái đầy mãnh liệt với chàng trai trẻ tuổi. Cũng trong lúc này, Levin một điền chủ có quen biết với Stiva đem lòng yêu mến Kitty. Anh đến ngỏ lời cầu hôn với Kitty nhưng bị cô từ chối. Nhưng ngay sau đó, Kitty lại bị Vronsky bỏ rơi để theo đuổi Ana. Và cứ thế, những tình tiết xoay quanh đời sống tình cảm của các nhân vật đan chéo cho đến tận cuối phim, đem đến những cảm xúc khác nhau cho khán giả.
Nội dung phim không mới, có chăng nó mới vì nó được đặt trong bối cảnh mà Tolstoy viết mà thôi. Xem xong phim, tôi thấy phim cuốn hút nhất ở Anna Karenina 2012 là ở cách dựng phim. Những khung cảnh cuối thế kỷ 19 của nước Nga được tái hiện một cách khéo léo qua những bữa tiệc tùng của giới quý tộc, qua những cuộc đua ngựa và những trò cá cược, khung cảnh làm việc kiểu “văn phòng”, lề lối ở chốn quan trường... tuy nhiên chúng lại được hiện ra trước mắt khán giả với khán giả trên phông nền của một sân khấu. Từng phân cảnh được thay đổi liên tục. Có thể vừa bắt gặp cảnh Stiva và Levin ngồi uống nước ở một nhà hàng thì ngay sau đó, Kitty xuất hiện trên sân khấu với chiếc váy trắng muốt và những đám mây tạo cảnh xung quanh. Hay như Anna vừa cãi nhau với Karenin trên cỗ xe ngựa thì đến cảnh nàng gặp Vronsky ở mê cung...Thêm nữa là hình ảnh đoàn tàu chở Anna đến Moscow. Có thể dễ dàng nhận ra, đây chỉ là một đoàn tàu mô hình giống như người ta vẫn hay làm những mô hình thu nhỏ về các thành phố mà thôi.
Một điểm thú vị nữa của phim này đó là chiếu gần như song song 2 cuộc tình, một là của Anna-Karenin-Vronsky, hai là của Levin-Kitty. Người ta sẽ thấy rõ được sự khác nhau của 2 tình yêu này. Một người phụ nữ đã có gia đình, nhưng lại vứt bỏ hôn nhân để đi theo tiếng gọi của tình yêu, cuộc tình mang theo nhiều dối trá và những lời đàm tiếu và một là tình yêu của chàng nông dân, trải qua lần đầu gặp gỡ, không được chấp nhận để rồi nhận ra không thể sống thiếu người yêu, quyết định một lần nữa theo đuổi hạnh phúc của mình. Và đương nhiên, cái kết thúc đúng như những gì nó xảy ra, một người có cuộc sống viên mãn về sau này còn người kia thì đi đến ngõ cụt của cuộc đời. Tình yêu của Levin và Kitty là kiểu tình yêu nguyên mẫu, trải qua khó khăn để rồi đến với nhau. Mối tình này khá may mắn, và tôi thích cái “happy ending” của nó.
Nhưng không thể cho rằng tình yêu của Anna với Vronsky là sai. Về lý mà nói, tình yêu này trái với đạo lý, vì nó phát triển bên ngoài một cuộc hôn nhân được thừa nhận bởi pháp luật. Anna và Karenin đã là vợ chồng được 9 năm, chưa kể hai người đã có một cậu con trai. Và Anna thì yêu con vô cùng, chỉ là cô không yêu chồng mà thôi. Theo nguyên tác, Karenin lấy Anna là do sự sắp xếp của bà cô, và người đàn ông này hơn Anna đến 20 tuổi. Và dĩ nhiên, một cô gái lập gia đình khi mới chỉ 18 tuổi, không có tình yêu, sống với một người đàn ông khô khan chỉ biết đến công việc, thì sau khi gặp một chàng trai trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, lại theo đuổi một cách nhiệt tình như Vronsky thì tình cảm của Anna dễ dàng thay đổi. Tuy nhiên, khi lên phim, thì tạo hình của Karenin cũng không đến nỗi “già dặn” đến thế. Nhưng có thể nhận ra cuộc hôn nhân này chỉ có cái vỏ êm đềm mà thôi. Nhân vật Karenin này, thậm chí anh ta còn chẳng dành thời gian để chơi với cậu con trai nhỏ tuổi mà hầu như chỉ dành những lo lắng cho việc tranh giành địa vị ở triều đình. Còn Anna thì vẫn trẻ trung, xinh đẹp và hơn hết là khát khao được yêu thương, được ngưỡng mộ. Vậy nên, xét trên phương diện tình cảm, tình yêu nảy nở giữa hai con người này cũng là bình thường.
Trong một xã hội còn tồn tại nhiều định kiến như bối cảnh câu chuyện xây dựng, việc ngoại tình, thậm chí coi người đàn ông khác là chồng ngay khi chưa ly hôn như Anna thì hành động của cô thật khó mà chấp nhận. Trích đoạn gần cuối phim, khi mà Anna đến tham dự một bữa tiệc, cô phải nhận những ánh mắt của những con người trong giới thượng lưu, nhìn qua những chiếc kính và những chiếc ống nhòm, cùng với những lời đàm tiếu của họ. Trong khi đó, anh chàng Vronsky thì lại không dám đứng ra để bảo vệ cô trước sóng gió của dư luận xã hội. Vì thế, cái gọi là dư luận xã hội, dù trong thời đại nào cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là một trong những nguyên nhân gián tiếp, đã đẩy Anna đến cái lựa chọn bi thảm cuối cùng-đó là cái chết, cùng nỗi nhớ con, sự đau khổ, ghen tuông, thiếu niềm tin cho một tình yêu vừa mới chớm nở.
Chủ đề mà tiểu thuyết của Lev Tolstoy hướng đến có lẽ cũng là chủ đề mà Anna Karenina 2012 đề cập, không hẳn là tình yêu, mà đó còn là hôn nhân gia đình và số phận của những người phụ nữ đặt trong bối cảnh xã hội nước Nga cuối thế kỷ 19. Có một nhân vật đại diện cho phụ nữ của thời đại này, đó là Dolly (chị dâu của Anna)-một nhân vật chỉ xuất hiện trong một số cảnh đầu và cuối. Khi phát hiện người chồng của mình ngoại tình, Dolly đã rất đau khổ, nhưng việc này lại được giải quyết chỉ bằng những lời khuyên ngăn của Anna, rằng nếu tình yêu của chị đủ bao dung, chị sẽ tha thứ được cho Stiva. Và Dolly chọn cách “bỏ qua”, sống trên danh nghĩa vợ chồng, là một người mẹ, người vợ đảm đang. Còn Stiva thì vẫn tiếp tục ngoại tình, và việc này thì “không được” xã hội cũng như giới thượng lưu lên án, họ coi nó như lẽ dĩ nhiên. Anna thì lại là tuýp phụ nữ dám vượt qua dư luận xã hội, tiến lên theo đuổi tình yêu, hạnh phúc thuộc về mình. Vì thế mà Dolly chẳng hề đàm tiếu về những việc Anna đã làm, can đảm vứt bỏ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thậm chí còn ngưỡng mộ Anna vì đó chính là ước muốn của những người phụ nữ như Dolly. Nhưng Anna lại không thắng được dư luận xã hội và bị vùi dập bởi chính những sóng gió mà cô tạo nên. Còn Kitty thì đại diện cho phụ nữ đoan trang, hiền thục, may mắn có được tình yêu “đúng đắn” của Levin. Thực ra Kitty may mắn hơn Anna, cô gặp được một người đàn ông đúng thời điểm, một người đàn ông có quan điểm mới về hôn nhân, anh cho rằng “hôn nhân giống như một thứ thiêng liêng mà chúa trời ban cho, và việc ngoại tình thì giống như lạm dụng nó. Vì thế chúng ta chỉ nên trung thành với một người mà thôi”. Và hơn hết, Levin yêu Kitty. Còn Kitty thì cũng thay đổi bản thân khi sống với anh chàng nông dân này, từ một tiểu thư giàu có, trở thành một người vợ với những trách nhiệm về gia đình của Levin, vậy nên, hạnh phúc Kitty có được, là xứng đáng.
Phim không quá đặc sắc, cái đặc sắc của nó đến từ thành công về tiểu thuyết gốc của Lev Tolstoy thì đúng hơn. Mặc dù có nhiều lời nhận xét về diễn viên Keria Knightley không thích hợp hay không phản ánh được “chất” của Anna Karenina so với một số hình tượng trước đó, nhưng tôi lại thấy Keira Knightley khá phù hợp với những vai diễn kiểu tình yêu ngang trái, giằng xé với một gương mặt góc cạnh và nụ cười- trong 1 số đoạn phim, khá là đau đớn.