Arrival (2016) : “If we could see our lives laid out before us, would we change anything”?
Việc tìm hiểu thông điệp mà người làm phim muốn truyền tải, đối với tôi luôn đầy thú vị và thách thức. Với tôi, Arrival là 1 bộ phim rất đáng học hỏi trong việc phân tích phim. Trong suốt quá trình viết về phim (khoảng 1 năm từ ngày tôi bắt đầu làm việc cho 24hinh.vn) , tôi luôn cảm thấy mình đôi khi nằm ngoài ý nghĩa của chúng, rằng là đôi khi chúng có nhiều ý nghĩa hơn ẩn dấu đằng sau ý nghĩa mà tôi có thể chỉ ra. Đôi khi tôi ước mình có thể học về kịch bản, về cách quay phim, về hậu kỳ, tất tần tật mọi thứ mà người ta làm để sản xuất ra một bộ phim. Hoặc dưới áp lực của thị trường, của văn hóa, tôn giáo đôi khi người ta phải thêm hoặc bớt một vài cảnh phim trước khi ra mắt công chúng. Tất cả những điều này sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của khán giả đối với bộ phim đó.
(*Nội dung chính của bài viết dưới đây dựa trên việc phân tích kịch bản phim, có so sánh với tác phẩm gốc của Ted Chiang là Story of your life và tập trung chủ yếu vào đoạn kết mà không nói quá nhiều vào những thứ rườm rà xung quanh.) Cá nhân tôi cho rằng, bài viết sẽ rất hữu ích nếu có ai đó băn khoăn về Arrival, giống như tôi.
Nằm trong dòng phim sci-fic mà đi sâu vào chủ đề UFO, nhưng khác với một số bộ phim tôi xem trước đó, Arrival kể lại câu chuyện vào một ngày không báo trước, 12 phi thuyền của Heptapod (sinh vật 7 chân) đáp xuống tại 12 địa điểm khác nhau trên Trái đất. Điều này dẫn đến hoang mang và xung đột cho các quốc gia. Trung Quốc, Mỹ, Nga,... Họ luôn băn khoăn câu hỏi Heptapod là ai? Chúng đến trái đất để làm gì? Và để lý giải cho điều đó, chính phủ Mỹ đã tìm đến Louise (Amy Adams)-tiến sĩ ngôn ngữ và Ian (Jeremy Renner)-nhà vật lý học nhằm giải đáp cho thắc mắc của họ.
Arrival có cấu trúc 3 hồi điển hình, nhưng lại được xây dựng theo một cách thú vị. Và cực kỳ logic (nếu như bạn đã xem nó lần thứ 2). Liên tục có sự hồi tưởng về Hannah, cô con gái bị bệnh ung thư của Louise trong suốt quá trình “đối thoại” của cô với Heptapod. Và bất chấp việc có nhiều tầng nghĩa được chỉ ra trong phim như xung đột giữa các quốc gia, vấn đề giao tiếp hay ngôn ngữ, sự phát triển của khoa học,... để giấu đi lớp nghĩa chính nhất (hay theo như bài viết trên đó chính là việc ẩn dấu ý nghĩa dưới nhiều lớp layer của Hollywood) khiến người xem khó lòng nhận ra được ý nghĩa thực sự của Arrival. Đặc biệt là vấn đề giao tiếp (đã được đẩy lên cao trào trong phần 2 khi các nhà khoa học liên tục giải thích các ký tự tượng hình mà Heptapod viết: không có hình dạng, không có phương hướng. Nó gọi là phi tuyến chính tả ( hãy cứ chấp nhận cách dịch này mặc dù tôi không biết nó có đúng không?).
Tôi muốn nói về đoạn kết, bởi vì đoạn kết là nơi đúc kết thông điệp của tác phẩm, đặc biệt là trong Arrival. Nó đã thực sự khiến tôi bất ngờ, hay nói đúng hơn là sự khó hiểu. mà chính tôi cũng tự hỏi rằng thông điệp mà những người làm phim muốn truyền tải là gì? Liệu nó liên quan gì đến những phần trước, hay chỉ là chiêu trò của các nhà làm phim.
“Vũ khí” mà Heptapod mang đến chính là ngôn ngữ. Đó là chìa khóa mở ra thời gian mà sâu hơn nữa là về những lựa chọn. Đoạn kết khép lại với những khoảng thời gian của Louise về tương lai. Khi mà giờ đây cô hoàn toàn có thể nhìn thấy con đường mà mình sẽ đi nhờ món quà của Heptapod. Nếu bạn biết về cuộc sống của bạn trong tương lai, liệu bạn có thay đổi nó?”